NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI TRONG PHÁT TRIỂN PHẦN MỀM TƯ VẤN DINH DƯỠNG CÁ THỂ HÓA TẠI VIỆT NAM

Lê Danh Tuyên1, Hoàng Thị Đức Ngàn, Trần Thanh Dương1, Hoàng Thị Thảo Nghiên2, Nguyễn Thanh Tùng3, Phan Kim Huệ, Phùng Ngọc Hải4
1 Viện Dinh dưỡng
2 Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội
3 Công ty cổ phần Orenda
4 Trường Đại học Griffith, Queensland, Úc

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Trước xu thế số hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Dinh dưỡng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, tư vấn thông minh về dinh dưỡng cho người Việt Nam và một số nhóm người bệnh” mã số KC4.0-13/19-25 nhằm xây dựng hệ thống tư vấn dinh dưỡng thông minh cá thể cho người dân Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các cơ sở dữ liệu (CSDL), cơ sở tri thức về dinh dưỡng được số hóa ở mức quốc gia tại Việt Nam. Quá trình xây dựng hệ thống tư vấn này gặp phải một số thách thức chính về xây dựng CSDL. Yêu cầu của hệ thống tư vấn cá thể hóa là CSDL phải đủ lớn, đủ “sâu” để đáp ứng với sự đa dạng của các dân tộc người Việt Nam, vùng miền, thói quen ăn uống, lối sống, khả năng chi trả của người dân, cũng như các lĩnh vực khác nhau của ngành dinh dưỡng. An toàn thông tin cũng là một nội dung quan trọng cần ưu tiên giải quyết trong quá trình phát triển hệ thống tư vấn dinh dưỡng cá thể. Tuy vậy, với sự cải thiện về hiểu biết, gia tăng nhu cầu tư vấn dinh dưỡng nâng cao sức khỏe của người dân, sự sẵn có của hạ tầng internet và các thiết bị cầm tay thông minh, với hành lang pháp lý và chính sách đầy đủ, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, thì việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển các ứng dụng tư vấn dinh dưỡng thông minh cá thể hóa còn nhiều tiềm năng và hứa hẹn mang lại tác dụng rõ rệt trong dự phòng bệnh, quản lý và theo dõi sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Chi tiết bài viết