HIỆU QUẢ CAN THIỆP BỮA ĂN CA CHO CÔNG NHÂN DỆT MAY TẠI TỈNH HẢI DƯƠNG

Nguyễn Thị Lan Hương1,, Lê Bạch Mai2, Đỗ Thị Phương Hà2, Bùi Thị Thảo Yến2, Đỗ Trần Hải3, Phạm Bích Ngân3
1 Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ
2 Viện Dinh dưỡng
3 Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Nghiên cứu can thiệp có so sánh trước - sau tiến hành trong 3 tháng được thực hiện trên 89
công nhân tại một công ty Dệt may thuộc tỉnh Hải Dương nhằm đánh giá hiệu quả can thiệp
bữa ăn ca công nhân bằng việc sử dụng thực đơn mẫu đáp ứng theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến
nghị (NCDDKN) và mức độ lao động thể lực thực tế.
Kết quả: Khẩu phần ăn sau can thiệp
cân đối hơn trước can thiệp đáp ứng NCDDKN với tỷ lệ các chất sinh năng lượng P:L:G là
19:22:59 tương đương với mức năng lượng 973,4 Kcal, và hàm lượng vitamin cũng cân đối
hơn đặc biệt là vitamin B1, B2, PP tính trên 1000kcal theo NCDDKN tương ứng 0,4; 0,55; 6,6
mg/1000 kcal. Sau can thiệp cân nặng và vòng eo trung bình của các nhóm đối tượng đều tăng
lên. Cân nặng trung bình của đối tượng sau can thiệp là 50,98kg, tăng hơn so với cân nặng trung
bình trước can thiệp 0,63 kg (p<0,01). Sự thay đổi chỉ số khối cơ thể (BMI) với BMI sau can
thiệp cao hơn BMI trước can thiệp là 0,25 kg/m2 (p <0,01). Tỷ lệ đối tượng thiếu năng lượng
trường diễn và thừa cân béo phì giảm rõ rệt sau can thiệp với tỷ lệ trước – sau can thiệp lần lượt
là 9,9% và 6,6%; 7,4% và 6,3% (p<0,05). Hàm lượng hemoglobin trung bình trước can thiệp
là 128,7 ± 12,8 g/L. Sau can thiệp, hàm lượng hemoglobin là 131,6 ± 12,1 g/L, tăng 2,88 ± 3,2
g/L so với trước can thiệp (p<0,01). Sau can thiệp, tỷ lệ công nhân bị thiếu máu là 9,8%, giảm
rõ rệt so với trước can thiệp là 19,7% (p<0,05).
Kết luận: Tình trạng dinh dưỡng của CN sau
can thiệp đã có sự cải thiện hơn so với trước can thiệp với bữa ăn ca đảm bảo đủ và cân đối về
năng lượng cũng như thành phần các chất dinh dưỡng theo NCDDKN.

Chi tiết bài viết