HỘI DINH DƯỠNG VIỆT NAM NHIỆM KỲ IV (2016 - 2021) MỘT CHẶNG ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN

Hội Dinh dưỡng Việt Nam BCH

Nội dung chính của bài viết

Chi tiết bài viết

Nội dung bài báo

Trong 05 năm qua (2016 – 2021), tình hình thế giới và khu vực với những yếu tố thuận lợi và khó khăn diễn biến rất phức tạp đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của người dân trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, ngành dinh dưỡng vẫn đang phải đối mặt với các thách thức về dinh dưỡng và sức khỏe trong thời kỳ chuyển tiếp. Hiện nay Việt Nam phải giải quyết vấn đề “Gánh nặng kép về suy dinh dưỡng” và có sự khác biệt giữa các vùng miền: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em ở nông thôn, miền núi còn ở mức cao; Trong khi đó thừa cân béo phì (cả trẻ em và người lớn) gia tăng nhanh chóng đặc biệt là các thành phố lớn dẫn đến thay đổi mô hình bệnh tật và gia tăng các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng. Trải qua Nhiệm kỳ IV 2016 – 2021, một chặng đường đầy thách thức đối với sự hoạt động và phát triển, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, với sự tham gia của đông đảo hội viên và các Chi hội, đã nỗ lực triển khai các hoạt động góp phần vào nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân Việt Nam và đạt được những kết quả đáng khích lệ. 1. Công tác tổ chức và phát triển hội Hội Dinh dưỡng Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 63/2001/ QĐ-BTCCBCP ngày 8/10/2001 do Bộ Trưởng – Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ Đỗ Quang Trung ký. Hội Dinh dưỡng VN đã hoạt động qua 4 nhiệm kỳ. Đại hội Hội Dinh dưỡng VN lần thứ IV đã bầu ra Ban Chấp Hành (BCH) nhiệm kỳ IV 2016 - 2021 gồm có 40 thành viên là các chuyên gia từ các chuyên ngành khác nhau như y tế, giáo dục, nông nghiệp; BCH đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 16 Ủy viên và Ban Thường trực gồm 3 ủy viên; và các ban: Ban Kiểm tra, Ban Phát triển Hội, Ban Khoa học Kỹ thuật, Ban Đào tạo Truyền thông, Ban Đối ngoại và Vận động tài trợ. Xác định việc phát triển tổ chức Hội vững mạnh là rất quan trọng, lãnh đạo Hội và BCH đã tích cực hoạt động để củng cố, gia tăng mạng lưới hội viên, phát triển mạng lưới Chi hội và tham gia vào làm thành viên của các Hội Dinh dưỡng quốc tế. Mạng lưới hội viên của Hội phát triển rộng, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp trong lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm. Hội Dinh dưỡng có tổng số 710 hội viên và 6 Chi hội trực thuộc là: - Chi hội Dinh dưỡng Nhi Khoa, - Chi hội Dinh dưỡng Lâm sàng, - Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm, - Chi hội Dinh dưỡng Tiết chế, - Chi hội Dinh dưỡng Y Dược truyền thống Việt. Hội Dinh dưỡng VN là hội thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dinh dưỡng Châu Á (FANS) và Hội Dinh dưỡng Quốc tế (IUNS) và tham gia Mạng lưới Dinh dưỡng Y tế Công cộng khu vực Đông Nam Á (SEA-PHN) từ 2014 nhằm tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế góp phần cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng. 2. Hoạt động khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo Từ 2016 đến 2020, Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học dinh dưỡng hàng năm nhằm cập nhật thông tin dinh dưỡng cho hội viên. Các hội nghị đã thu hút đông đảo đại biểu từ các Viện, Trường đại học Y và các địa phương cũng như các đại biểu và báo cáo viên quốc tế như Nhật Bản, Úc tham dự. Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trình bày nhiều báo cáo khoa học trên các lĩnh vực như: dinh dưỡng, khoa học thực phẩm, an toàn thực phẩm và các nghiên cứu can thiệp cộng đồng, dinh dưỡng điều trị... - Năm 2016: Phối hợp với Trường ĐH Y Dược Thái Bình tổ chức Hội nghị “Dinh dưỡng lâm sàng”; Phối hợp với Trường ĐH Y Khoa Vinh tổ chức hội nghị “Dinh dưỡng hợp lý, vận động thường xuyên để phòng chống đái tháo đường”. - Năm 2017: Phối hợp với Trường ĐH Y Dược Hải Phòng tổ chức hội nghị “Dinh dưỡng và vận động hợp lý để phòng chống loãng xương” có sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Vụ Bà mẹ Trẻ em – Bộ Y tế, các trường ĐH Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thái Bình, ĐH Y Dược Hải Phòng… - Năm 2018: Phối hợp với Trường ĐH Y tế Công cộng tổ chức hội nghị “Dinh dưỡng hợp lý và vận động thường xuyên để phòng chống rối loạn lipid máu”. Hội Dinh dưỡng VN cũng tham gia và báo cáo tại HN Dinh dưỡng châu Á 2018 tại Bali, Indonesia. - Năm 2019: Tổ chức HNKH Dinh dưỡng toàn quốc lần thứ 10 với chủ đề “Cải thiện dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời vì tầm vóc Việt” tại Đại học Đông Á, Đà Nẵng. - Năm 2020: Phối hợp với Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên tổ chức hội nghị “Dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch phòng chống các bệnh truyền nhiễm”. Phối hợp với Chi hội Dinh dưỡng Lâm sàng – Trường ĐH Y Dược Thái Bình tổ chức hội nghị “Dinh dưỡng điều trị bệnh nội khoa”. Phối hợp với Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị với chủ đề: “Can thiệp Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và trẻ em”. - Năm 2021: Tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trực tuyến (Webinars) của Hội Dinh dưỡng Khu vực (SEAPHN): Series 1/2021: “School children Nutrition promotion in Southeast Asia countries”; Series 2/2021: “National Plans of Action for Nutrition in Southeast Asia Countries”; Series 3/2021: “Nutrition activities during covid-19 in Southeast Asia countries”. Ngày 2/11/2021, phối hợp với tổ chức USSEC tổ chức hội thảo online (Webinar): “Đáp ứng nhu cầu protein: Khai thác 3 TC.DD & TP 17 (6) - 2021 dinh dưỡng đậu nành và tính bền vững cho sức khỏe”. 3. Hoạt động tư vấn, phản biện và thông tin truyền thông: Công tác tư vấn phản biện được Hội rất quan tâm. Nhiều cán bộ của Hội đã tham gia các Hội đồng khoa học để tư vấn, phản biện cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ và nghiệm thu, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y Tế, Viện Dinh dưỡng, Bộ Khoa học công nghệ, các trường đại học và các đề tài của Hội Dinh dưỡng; Tham gia phản biện tại các Hội đồng bảo vệ luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ, bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ tại các Trường, Viện. Hội Dinh dưỡng đã tham gia thẩm định Chương trình “Bữa ăn dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực” cho trẻ em tuổi mầm non và tiểu học tại 10 tỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham gia xây dựng và tư vấn “Hướng dẫn giảm muối tại hộ gia đình, căng tin trường học và nhà hàng ăn uống”; “Xây dựng tiêu chí dinh dưỡng lành mạnh cho một số loại thực phẩm thong dụng” của Bộ Y tế. Ngoài ra hội viên Hội Dinh dưỡng còn tham gia nhiều chương trình tư vấn dinh dưỡng thường thức cho các đối tượng khác nhau thông qua tổng đài 1080, truyền hình O2TV, VTC14, VTV2, HTV, HVTV, Sức khỏe đời sống... Hội Dinh dưỡng cũng tư vấn trên trang Website của Hội về dinh dưỡng trong phòng chống dịch COVID-19… 4. Hoạt động Biên tập và xuất bản sách Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm được xuất bản từ năm 2005 với số lượng 04 số/năm và mỗi số khoảng 400 bản in, hiện đã có mã số khoa học riêng ISSN 1859 - 0381, được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm từ năm 2011. Năm 2016, tạp chí bắt đầu xuất bản 6 số/năm và duy trì cho đến nay. Các bài báo đăng trên tạp chí có quy chế bình duyệt nghiêm túc, là những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn trong lĩnh vực dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, được độc giả và hội viên quan tâm đón nhận. Mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay tạp chí vẫn được xuất bản đều đặn và đã cung cấp các thông tin dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm đến đông đảo hội viên, đăng tải các nghiên cứu, thông tin hoạt động của Hội và được phân phối cho các hội viên cũng như các viện, trường có liên quan. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2016- 2021, Hội Dinh dưỡng đã biên soạn và xuất bản 2 cuốn sách tiếng Anh trong khuôn khổ mang lưới dinh dưỡng khu vực (SEAPHN): “Healthy Cooking with Oats” tập 2 và tập 3 cùng các nước Indonesia, Philipin, Thailand, Malaysia. 5. Tóm tắt hoạt động của các Chi hội trực thuộc Hội Dinh dưỡng VN Trong nhiệm kỳ IV 2016 - 2021, Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã thành lập thêm Chi hội Dinh dưỡng Y dược Truyền thống Việt để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trao đổi cho các hội viên trong lĩnh vực y dược cổ truyền, nâng tổng số chi hội lên 6 Chi hội. Tất cả các Chi hội trực thuộc Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã không ngừng phát triển về cả số lượng và chất lượng; số hội viên tăng lên và có nhiều hoạt động sôi nổi, đóng góp vào thành công chung của Hội Dinh dưỡng Việt Nam. Cụ thể: 5.1. Chi hội Dinh dưỡng Nhi khoa Tổng số hội viên của chi hội khoảng 300 người: Tập hợp đông đảo đội ngũ công tác viên dinh dưỡng, cán bộ chăm sóc sức khỏe trẻ em, đội ngũ bác sĩ nhi khoa, tất cả cán bộ làm công tác liên quan đến chăm sóc sức khỏe trẻ em. Từ năm 2016 – 2019, Chi hội Dinh dưỡng Nhi khoa tổ chức được 08 hội thảo khoa học, mỗi năm 2 lần, các chủ đề về hội nghị khoa học đều xoay quanh các vấn đề về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ, các bênh lý có liên quan đến dinh dưỡng trẻ em, các thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng ở trẻ và các biện pháp khắc phục như “Rối loạn chức năng dạ dày ruột ở trẻ nhỏ; Vai trò của vi chất dinh dưỡng với sự phát triển của trẻ em; Nuôi dưỡng trẻ nhỏ thực trạng và giải pháp; Cập nhật kiến thức viêm gan virus và bệnh lý gan mật ở trẻ em...”. Từ 2020 – 2021 do ảnh hưởng của đại dịch covid nên các hội viên chỉ tham gia vào các hội nghị trực tuyến do Hội Dinh dưỡng tổ chức. Ngoài ra hội viên của Chi hội tham gia biên soạn sách chuyên ngành, tham gia các hội đồng khoa học, có các bài viết đăng trên các tạp chí để phổ biến kiến thức dinh dưỡng cho cán bộ y tế cũng như cho cộng đồng. 5.2. Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm Tổng số hội viên của Chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm (DD-TP) khoảng 145 người. Chi hội DD-TP tập hợp rộng rãi những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học dinh dưỡng, khoa học thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc nhiều bộ ngành tham gia trong chuỗi cung cấp thực phẩm từ “trang trại tới bàn ăn”, nhằm mục đích tư vấn, đào tạo, truyền thông nâng cao kiến thức và hướng dẫn thực hành sản xuất nông sản thực phẩm, chế biến, bảo quản, lưu thông phân phối, kinh doanh, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn hợp lý, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống và tính cạnh tranh lành mạnh của thực phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hàng năm, các hội viên Chi hội tham gia các hoạt động do Hội Dinh dưỡng phát động như Tháng hành động Dinh dưỡng, báo cáo tại Hội nghị khoa học, tham gia biên tập/ viết bài gửi đăng tạp chí chuyên ngành. Nhiều hội viên đã tham gia hướng dẫn luận án Tiến sỹ, thạc sĩ và tham gia phản biện của các Hội đồng bảo vệ luận văn cao học/ luận án tiến sĩ, Hội đồng tư vấn, xét duyệt Dự án, đề cương nghiên cứu khoa học cũng như Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của các Bộ ngành, các cấp tỉnh thành phố, các Viện/ trường. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chi hội đã tham gia tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng” ngày 5/12/2017 tại Hà Nội; Hội nghị quốc tế tại Học viện Nông nghiệp: “Postharvest Management For Better Food Security” vào ngày 5-7/11/2018. Hội nghị đã có gần 100 báo cáo khoa học, thông báo và poster với nhiều nội dung phong phú của các tác giả Việt Nam và gần 20 nước tham gia, được bạn bè chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Hội viên Chi hội là Chủ biên, tham gia biên soạn nhiều giáo trình, sách tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy như: Năm 2016: “Cây chuối Việt Nam”, “Khoa học Thực phẩm và Vệ sinh An toàn Thực phẩm”; Năm 2017: 5 TC.DD & TP 17 (6) - 2021 “Quản lý chất lượng quả vải, nhãn sau thu hoạch”; Năm 2020: “Công nghệ chế biến đậu đỗ”, “Công nghệ chế biến sữa”... 5.3. Chi hội Dinh dưỡng Lâm sàng Chi hội Dinh dưỡng Lâm sàng đã tập hợp đông đảo đội ngũ công tác viên dinh dưỡng, cán bộ làm công tác dinh dưỡng và điều trị trong bệnh viện. Từ năm 2016 – 2019: Chi hội Dinh dưỡng Lâm sàng (DDLS) phối hợp với Chi hội Dinh dưỡng Nhi khoa tổ chức được 06 hội nghị khoa học, với các chủ đề về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ, các bênh lý có liên quan đến dinh dưỡng trẻ em, các thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng và các biện pháp can thiệp. Các hội nghị khoa học đều thành công tốt đẹp với sự tham dự của hơn 300 hội viên của 2 chi hội là các nhà khoa học, bác sỹ, điều dưỡng, cử nhân dinh dưỡng từ Trường Đại học, Sở Y tế, Bệnh viện, trung tâm Kiểm soát bệnh tật, phòng khám tư vấn dinh dưỡng tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, miền Trung về tham dự. Các thành viên chính của Chi hội Dinh dưỡng Lâm sàng đã cùng cán bộ Viện Dinh dưỡng tham gia biên soạn 2 cuốn sách dinh dưỡng chuyên ngành quan trọng, nhằm cập nhật kiến thức và thúc đẩy hoạt động các khoa dinh dưỡng các bệnh viện, các trường đại học có giảng dạy về dinh dưỡng: “Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện” xuất bản năm 2016, và cuốn: “Dinh dưỡng Lâm sàng” năm 2019; Năm 2021 tham gia biên soạn cuốn: “Cẩm nang dinh dưỡng” phối hợp giữa Hội Dinh dưỡng và công ty Herbalife để phổ biến kiến thức dinh dưỡng cho cộng đồng. Ngoài ra, các thành viên của Chi hội DDLS đã: Tham gia 1 số Hội đồng khoa học cấp bộ, và các hội đồng chấm luận văn, luận án của ĐHYHN, Viện Dinh dưỡng; Tham gia xây dựng Bộ môn dinh dưỡng của Đại học điều dưỡng Nam Định (2018-nay); Tham gia xây dựng chuyên ngành đào tạo Cử nhân sinh học y dược của Đại học Phương Đông; Đăng bài trên tạp chí của Hội Dinh dưỡng với các nội dung về chế độ ăn cho hỗ trợ điều trị trong các bệnh nền: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. 5.4. Chi hội Dinh dưỡng Tiết chế Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về dinh dưỡng tiết chế và điều trị cho các cá thể, Chi hội Dinh dưỡng Tiết chế đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc vận động chính sách cho dinh dưỡng như: Đưa được chỉ tiêu “1 cử nhân dinh dưỡng/100 giường bệnh” vào Thông tư số 18/2020/TTBYT ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Hội viên Chi hội Dinh dưỡng Tiết chế đã: Tiếp tục viết các cuốn sách (2 cuốn) phục vụ cho đào tạo cử nhân: “Dinh dưỡng và hoạt động thể lực” và “Quy trình chăm sóc/can thiệp dinh dưỡng nội”; Xây dựng mô hình nhóm hỗ trợ dinh dưỡng tại Bệnh viện E Hà Nội và phát triển mạng lưới hội viên dinh dưỡng tiết chế ở nhiều bệnh viện khác. Ngoài ra Chi hội Dinh dưỡng Tiết chế đang: Xây dựng kế hoạch vận động chính sách cho dinh dưỡng trong trường học, đưa 1 cử nhân dinh dưỡng/ 1 trường học hoặc 1 phòng giáo dục trong các năm tới, và 1 cử nhân dinh dưỡng cho một trung tâm y tế dự phòng huyện; Xây dựng chương trình đào tạo từ xa cho một số loại hình đào tạo; Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên các trường đại học về tiết chế dinh dưỡng. 5.5. Chi hội Dinh dưỡng Cộng đồng Trong nhiệm kỳ IV của Hội Dinh dưỡng VN, Chi hội Dinh dưỡng Cộng đồng đã tăng cường mở rộng hội viên trong các lớp cao học dinh dưỡng, tạo ra mạng lưới Cộng tác viên Dinh dưỡng trong cử nhân Y tế công cộng và bác sỹ y học dự phòng. Hội viên của Chi hội đã: Tham gia giảng dậy các lớp đạo tạo liên tục cho các bác sỹ làm trưởng trạm của 4 tỉnh là Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên với chủ đề “Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh quản lý điều trị ngoại trú theo nguyên lý Y học Gia đình”; Tổ chức các lớp đào tạo liên tục về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho cán bộ y tế cơ sở một số tỉnh như Nam Định, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định; Đã chủ trì tổ chức 6 hội nghị khoa học về Dinh dưỡng ứng dụng, mỗi năm 1 chuyên đề, trung bình có 200 đại biểu của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và các trường Đại học Y Dược phía Bắc. Ngoài ra Chi hội đã tham gia biên soạn và xuất bản 2 đầu sách phục vụ đào tạo sau đại học là “Dinh dưỡng lâm sàng” và “Quản lý an toàn thực phẩm”. 5.6. Chi hội Dinh dưỡng Y dược Truyền thống Việt Được sự đồng ý của Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chi hội Dinh dưỡng Y Dược Truyền thống Việt được thành lập ngày 2/1/2019, với tổng số gần 300 hội viên. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trao đổi thông tin về dinh dưỡng cho các hội viên trong lĩnh vực y dược cổ truyền, các câu lạc bộ của Chi hội đã được thành lập như: CLB Dinh dưỡng Y dược Truyền thống Việt H100 Trung tâm, CLB Dinh dưỡng Y dược Truyền thống Việt Tâm Bình An. Các Câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các chủ đề về dinh dưỡng rất sôi nổi thiết thực, thu hút đông đảo hội viên quan tâm tham dự, tạo ra phong trào tìm hiểu kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng để nâng cao sức khỏe trong cộng đồng. Chặng đường của Nhiệm kỳ IV 2016- 2021 của Hội Dinh dưỡng VN đã qua, mặc dù trong bối cảnh tình hình sức khỏe, bệnh mạn tính không lây nhiễm, dịch bệnh và môi trường đều đang từng ngày thay đổi, tạo ra những thách thức hết sức lớn đối với những người làm công tác chăm sóc dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng cũng như từng người bệnh đang được quản lý chăm sóc nội trú cũng như ngoại trú ở cơ sở y tế trong và ngoài công lập, Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã có những cố gắng nhất định trong việc củng cố và phát triển tổ chức Hội nhằm tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học dinh dưỡng và thực phẩm. Hướng tới Nhiệm kỳ V (2022 – 2026), Hội Dinh dưỡng Việt Nam xác định phương hướng hoạt động của Hội tính đến những hoạt động mang tính chiến lược, bền vững phù hợp với tầm nhìn xây dựng phát triển Hội đến năm 2030 và chiến lược phát triển đất nước đến năm 2050 theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra. Hội Dinh dưỡng 7 TC.DD & TP 17 (6) - 2021 Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức Hội vững mạnh trong toàn quốc; Đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng hội viên và cộng tác viên dinh dưỡng; Tăng thêm các hình thức và số lượng hội nghị, hội thảo khoa học đồng thời với tăng số nhà khoa học hỗ trợ hội viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học; Nâng cao chất lượng đi đôi với mở rộng phạm vi phục vụ của Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm; Nâng cao hiệu quả tham gia truyền thông để hỗ trợ người dân có thêm kiến thức, kỹ năng dinh dưỡng lành mạnh, tiếp cận đúng với những sản phẩm an toàn. Phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 2022 – 2026 của Hội Dinh dưỡng Việt Nam mang tư tưởng đổi mới, hành động thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế văn hóa xã hội trong bối cảnh tình hình mới, chắc chắn sẽ đạt nhiều thành tựu, thành công với sứ mệnh của Hội là góp phần vào cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân Việt Nam. Hà Nội, tháng 12 năm 2021 BCH HỘI DINH DƯỠNG VN