Tôn chỉ, mục đích của tạp chí:

  • Thông tin, tuyên truyền và phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm;
  • Phổ biến những thành tựu khoa học, công trình nghiên cứu, kiến thức khoa học trong nước và quốc tế về dinh dưỡng, thực phẩm và các lĩnh vực có liên quan.
  • Đăng tải các công trình nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và thực phẩm, về vệ sinh ăn uống và an toàn thực phẩm nhằm hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo cho các bộ chuyên ngành trong toàn quốc, nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ thuật mới áp dụng ở cộng đồng và phòng thí nghiệm;
  • Là diễn đàn trao đổi học thuật và thông tin về khoa học dinh dưỡng, khoa học thực phẩm và các lĩnh vực khác có liên quan của tất cả cá nhân và tổ chức đang đào tạo, nghiên cứu, hoạt động nghề nghiệp, cung cấp và tìm kiếm dịch vụ về các nội dung trên;
  • Là diễn đàn trao đổi về hoạt động triển khai và kinh nghiệm của ngành dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng 2021–2030, tầm nhìn đến 2045;
  • Góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín để nâng cao vị thế của Hội Dinh dưỡng Việt Nam trong hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Phản ánh các hoạt động của ngành dinh dưỡng và thực phẩm của Việt Nam và khu vực.

Đối tượng phục vụ:

  • Giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên các chuyên ngành có liên quan đến dinh dưỡng và thực phẩm;
  • Các nhà khoa học, đào tạo làm trong lĩnh vực có liên quan đến dinh dưỡng, thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp...;
  • Những người làm việc trong ngành y tế và các bộ ngành làm công tác có liên quan đến dinh dưỡng và thực phẩm;
  • Cán bộ quản lý và bạn đọc có quan tâm.

Phạm vi xuất bản:

Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm xuất bản các bài báo gồm các công trình nghiên cứu gốc, báo cáo trường hợp, tổng quan, phương pháp nghiên cứu, bình luận, giới thiệu sách và thông tin khoa học công nghệ về khoa học dinh dưỡng, thực phẩm và các lĩnh vực khác có liên quan, cụ thể gồm:

  • Các phương pháp kỹ thuật sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, bảo quản sản phẩm và liên quan đến chất lượng, số lượng và thành phần các chất dinh dưỡng;
  • Công nghệ thực phẩm và thành phần các chất dinh dưỡng;
  • Thiết kế công thức và sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng cho các đối tượng đích;
  • Thành phần hóa học các chất dinh dưỡng trong thực phẩm;
  • Nghiên cứu về khẩu phần của cá thể, của cộng đồng và ứng dụng;
  • Nhu cầu dinh dưỡng và cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam.
  • Tình trạng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, thiếu vi chất dinh dưỡng) của tất cả các đối tượng và mối liên quan đến sức khỏe, tăng trưởng, phát triển và chất lượng cuộc sống;
  • Mối liên quan giữa dinh dưỡng và các rối loạn và bệnh tật (ví dụ: đái tháo đường týp 2, rối loạn lipid máu, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, ung thư);
  • Nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung
  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân trong bệnh viện;
  • Thiết kế thực đơn và đánh giá hiệu quả áp dụng thực đơn;
  • Dinh dưỡng điều trị trong bệnh viện, bao gồm cả nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và tiêu hóa;
  • Các báo cáo trường hợp điều trị dinh dưỡng và kinh nghiệm;
  • Chăm sóc dinh dưỡng phòng bệnh cho người nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính (như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp...;
  • Chăm sóc dinh dưỡng điều trị cá thể cho người bị bệnh mạn tính tại cộng đồng
  • Tương tác giữa dinh dưỡng và hoạt động thể lực;
  • Các sản phẩm lên men và vai trò trong dinh dưỡng và phòng bệnh;
  • Đánh giá hiệu quả bổ sung các vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng khác nhau;
  • Dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và phát triển ở các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vòng đời từ bào thai đến tuổi già);
  • Dinh dưỡng duy trì và nâng cao sức khỏe ở các đối tượng và lứa tuổi (bà mẹ, trẻ em, vị thành niên, tiền mãn kinh, mãn kinh, người cao tuổi,…);
  • An ninh lương thực, giám sát dinh dưỡng;
  • Dinh dưỡng học đường và đặc trưng dinh dưỡng cho các ngành nghề;
  • Các phương pháp và mô hình nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm trên người;
  • Các phương pháp và mô hình nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm dựa trên trên tế bào và động vật thí nghiệm;
  • Hệ vi sinh vật đường ruột, chuyển hóa các chất và dinh dưỡng,
  • Di truyền gen-hệ gen người và hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng;
  • Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng đến biểu hiện gen và sức khỏe, bệnh tật;
  • Sinh học phân tử chuyển hóa các chất dinh dưỡng;
  • Sinh lý dinh dưỡng, chuyển hóa cơ bản, hoạt động thể lực;
  • Tương tác thuốc và thực phẩm;
  • Kỹ thuật nấu ăn, chế biến món ăn và dinh dưỡng;
  • Vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Các yếu tố văn hóa , xã hội học và dinh dưỡng
  • Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

Cấu trúc của tạp chí điện tử

gồm các mục TRANG CHỦ-ĐANG XUẤT BẢN-BAN BIÊN TẬP-HƯỚNG DẪN-THÔNG TIN-GỬI BÀI-ĐĂNG NHẬP.

  • TRANG CHỦ: Có thông tin về số tạp chí mới nhất và tất cả các số đã xuất bản.
  • ĐANG XUẤT BẢN: Gồm các bài báo đã qua vòng phản biện khoa học, đã được biên tập và được công bố trước khi in.
  • BAN BIÊN TẬP: Giới thiệu Ban lãnh đạo Tạp chí, các thành viên Ban biên tập, Ban cố vấn khoa học, Ban thư ký khoa học.
  • THÔNG BÁO: Gồm các thông tin mới về các chính sách hoặc các hoạt động của tạp chí , các số sẽ xuất bản, thư mời viết bài cho tạp chí.
  • HƯỚNG DẪN: Phần này chứa các nội dung giới thiệu Tạp chí và các hướng dẫn cho tác giả, hướng dẫn cho chuyên gia phản biện, hướng dẫn cho biên tập viên.
  • GỬI BÀI: Mục này dành cho tác giả muốn gửi bản thảo bài báo cho Tạp chí để được phản biện khoa học và chấp nhận đăng.
  • ĐĂNG NHẬP: Mục này dành cho tác giả bài báo và các chuyên gia phản biện để đăng ký tên đăng nhập và mật mã để sử dụng các tính năng gửi bài và phản biện khoa học các bài báo đang được gửi đăng.

Các chuyên mục của tạp chí:

  • Tổng quan: Công bố các nghiên cứu tổng quan như tổng quan hệ thống, phân tích gộp. Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu về một lĩnh vực chuyên sâu trong chuyên ngành. Bài báo tổng quan tập trung trình bày một cách hệ thống những kết quả nghiên cứu đã thực hiện trước đó ở trong và ngoài nước về một chủ đề nhất định thuộc lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm, từ đó đưa ra những nhận định về ưu, nhược điểm, xu hướng và triển vọng nghiên cứu của chủ đề đó trong thời gian tới.
  • Nghiên cứu gốc: Chuyên mục này công bố các công trình nghiên cứu trên các đối tượng khác nhau như con người, thực phẩm, bệnh phẩm.... Bài báo nghiên cứu gốc đăng những phát hiện mới dựa trên kết quả nghiên cứu bằng thực nghiệm, lý thuyết, điều tra. Bài báo dạng này có các phần chính như đặt vấn đề, mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, bàn luận, kết luận, tài liệu tham khảo.
  • Nghiên cứu trường hợp: Mô tả một trường hợp điển hình trong lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng, đúc rút kinh nghiệm về đánh giá tình trạng dinh dưỡng, điều trị các rối loạn dinh dưỡng.
  • Phương pháp nghiên cứu: Trình bày các phương pháp nghiên cứu mới được trình bày ở chuyên mục này; Các phương pháp tiên tiến trên Thế giới lần đầu tiên được kiểm tra đánh giá lại, áp dụng thành công tại Việt Nam.
  • Bình luận: Là những bài viết mang tính nhận định, bình luận, đánh giá, đóng góp ý kiến về những vấn đề thuộc lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm, đặc biệt là các vấn đề đang nổi lên và có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn. Mục đích là tạo ra một diễn đàn rộng rãi cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, kinh doanh..., nhằm đánh giá những vấn dinh dưỡng và thực phẩm ở những góc nhìn mang tính khoa học.
  • Giới thiệu sách: Là bài viết điểm về những cuốn sách hoặc tài liệu (chuyên khảo, tham khảo, giáo khoa, giáo trình, hướng dẫn) có liên quan tới các vấn đề nổi lên trong lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm, xuất bản thời gian gần đây.
  • Thông tin khoa học: Là những bài viết mang tính thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học hoặc các sự kiện khoa học - công nghệ liên quan đến lĩnh vực dinh dưỡng và thực phẩm ở trong và ngoài nước, công bố trong thời gian gần nhất. Có thể là bài viết lần đầu, bài dịch hay biên dịch từ tài liệu nước ngoài, bài toàn văn hay trích đăng từ tư liệu của các chương trình, dự án sức khỏe.

 

Quy trình xuất bản

Nguyên tắc xuất bản

  • Tất cả các bài, tin, ảnh khi đưa lên tạp chí đều phải qua được vòng phản biện sau khi gửi lấy ý kiến thẩm định kín của ít nhất 2 nhà khoa học liên quan và phải được Tổng biên tập phê duyệt trực tiếp. Trong trường hợp cần thiết, Tổng biên tập có thể ủy quyền cho Phó tổng biên tập chịu trách nhiệm phê duyệt.

Các bước từ khi gửi bài đến khi xuất bản

Tác giả có thể nộp bản thảo trực tuyến tại hoặc gửi thư điện tử theo địa chỉ toàn soạn. Mỗi bản thảo sẽ được 2 chuyên gia phù hợp với chuyên môn của bài báo phản biện kín độc lập. Tất cả các bài báo trước khi công bố đều phải được 2 chuyên gia phản biện đồng ý chấp nhận đăng và Tổng biên tập duyệt.

                       Sơ đồ quy trình từ khi gửi bài đến khi công bố

Bước 1. Gửi bài

Tác giả gửi bài báo trực tuyến hoặc gửi trực tiếp tới email của tạp chí. Trước khi gửi bài, tác giả cần kiểm tra để đảm bảo hoàn chỉnh tất cả 6 nội dung sau:

  • Bài gửi hoặc kết quả nghiên cứu hoặc một phần kết quả nghiên cứu chưa được xuất bản hoặc đang gửi cho một tạp chí khác.
  • Tất cả các nghiên cứu có đối tượng nghiên cứu trên người cần được thông qua hội đồng y đức trước khi nghiên cứu.
  • Bài báo được định dạng tệp tài liệu Microsoft Word.
  • Các văn bản sử dụng phông chữ Time New Roman, cỡ chữ 12, viết trên khổ giấy A4, cách dòng 1,5 và đặt lề mỗi chiều 2,5 cm, header và footer đặt 1 cm.
  • Tất cả các số liệu, bảng và hình được đặt trong văn bản tại các điểm thích hợp, không đặt ở cuối bản thảo.
  • Trình bày văn bản và tài liệu tham khảo theo hướng dẫn ở phần Hướng dẫn cho tác giả.

Bước 2. Kiểm tra-Phản biện (3 tuần)

Kiểm tra (2 ngày)

Thư ký khoa học sẽ kiểm tra và báo cáo Tổng biên tập về việc bài báo đảm bảo phạm vi, cấu trúc, định dạng và đạo đức nghiên cứu. Thư ký khoa học sẽ hướng dẫn cho tác giả các nội dung cần điều chỉnh và bổ sung cho bài báo.

Tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập được phân công thông báo cho tác giả:

  • Bài báo được chấp nhận gửi phản biện: Thư này sẽ gửi cho tất cả các tác giả kèm yêu cầu xác nhận là tác giả hay đồng tác giả của bài báo.
  • Bài báo cần chỉnh sửa trước khi gửi phản biện, gửi kèm yêu cầu chỉnh sửa và hướng dẫn.
  • Bài báo không được chấp nhận bình duyệt và lý do không được chấp nhận.

Phản biện (17 ngày)

  • Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập hay thành viên Ban biên tập được phân công sẽ xác định 2 chuyên gia phù hợp tham gia phản biện cho mỗi bài báo.
  • Thư mời sẽ được gửi cho 2 chuyên gia phản biện kèm theo tiêu đề bài báo và tóm tắt, ẩn danh tác giả bài báo.
  • Biên tập viên sẽ gửi toàn văn bản thảo bài báo (ẩn danh tác giả) và biểu mẫu nhận xét bản thảo bài báo cho 2 chuyên gia phản biện khi nhận được thư đồng ý.
  • Chuyên gia phản biện đăng nhập, đánh giá và nhận xét bài báo theo mẫu và gửi bản nhận xét trong vòng 2 tuần sau khi tiếp nhận.
  • Các chuyên gia phản biện có thể thảo luận với nhau và với biên tập viên về một số nội dung của bản thảo bài báo.

 Trả lời kết quả

  • Thư ký khoa học trích lục tổng hợp các ý kiến của phản biện và gửi kèm bản nhận xét của phản biện cho Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập hay thành viên Ban biên tập được phân công. Kết quả trả lời một trong các tình huống: chấp nhận đăng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa lớn, hoặc không chấp nhận đăng.
  • Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập được phân công sẽ viết thư trả lời tác giả liên hệ của bài báo (ẩn danh người phản biện) khi cả hai phản biện đồng ý cho đăng bài.
  • Khi bài báo có 1 phản biện đồng ý và 1 phản biện không đồng ý, Tổng biên tập hoặc Phó tổng biên tập được phân công xác định và mời chuyên gia phản biện bổ sung. Khi chuyên gia bình duyệt đồng ý cho đăng bài, thư ký khoa học trích lục tất cả ý kiến phản biện và gửi cho tác giả.
  • Khi bài báo có cả 2 phản biện không đồng ý cho đăng, thư ký khoa học gửi ý kiến phản biện cho Tổng biên tập để quyết định thông báo bài báo không được chấp nhận đăng cho tác giả.

Bước 3. Chỉnh sửa theo góp ý (3 tuần)

  • Tác giả chỉnh sửa theo từng góp ý của phản biện, hoặc giải thích lý do nếu không chỉnh sửa trong vòng 2 tuần. Nội dung chỉnh sửa được đánh dấu track changes hoặc đánh dấu màu vàng. Tác giả gửi lại bản thảo đã chỉnh sửa và bản giải trình nội dung chỉnh sửa theo ý kiến phản biện cho Biên tập viên.
  • Biên tập viên chuyển bản chỉnh sửa và giải trình cho chuyên gia phản biện để đánh giá lại (nếu phản biện yêu cầu) trong vòng 1 tuần.
  • Khi chuyên gia phản biện đồng ý cho đăng bài báo sau chỉnh sửa mà không cần gửi phản biện lại, Biên tập viên đánh giá để đảm bảo các nội dung chỉnh sửa đã đáp ứng yêu cầu của chuyên gia phản biện. Kết quả đánh giá gửi Tổng biên tập.
  • Tổng biên tập đánh giá kết quả phản biện và chỉnh sửa, thông báo cho tác giả bài báo đã được chấp nhận đăng.

Bước 4. Công bố (2 tuần)

  • Biên tập kỹ thuật
  • Bài báo đã được chấp nhận đăng sẽ được thư ký biên tập xếp số theo trình tự thời gian bài báo được nhận đăng theo yêu cầu thông thường hoặc yêu cầu đặc biệt.
  • Thư ký biên tập tập hợp bài báo, kèm ảnh (nếu có) chuyển cho bộ phận thiết kế dàn trang.
  • Bộ phận thiết kế dàn trang gửi bản bông cho thư ký biên tập để rà soát, chỉnh sửa các lỗi chính tả.
  • Thư ký biên tập trình Tổng Biên tập hoặc Phó tổng biên tập được phân công duyệt bản cuối.
  • Bản thảo sau khi đã được định dạng sẽ được gửi lại cho tác giả để tác giả kiểm tra lại tiêu đề, tên và địa chỉ của các tác giả, chính tả, tính chính xác của các số liệu, không được chỉnh sửa về chuyên môn. Trong vòng 48 giờ kể từ khi gửi, tác giả có thể yêu cầu chỉnh sửa, nếu tác giả không trả lời có nghĩa là đồng ý với bản cuối trước khi in hoặc đăng lên web.

 

QUY ĐỊNH VỀ ĐẠO ĐỨC XUẤT BẢN

Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm ban hành các Quy định về xuất bản và đạo đức công bố công trình nghiên cứu được liệt kê dưới đây. Các tác giả, chuyên gia phản biện, thành viên Ban biên tập và Ban thư ký của Tạp chí, và các đối tượng khác có liên quan cam kết tuân thủ và nghiêm túc thực hiện các quy định này.

Quy định về đạo đức công bố

Khi nộp bài cho Tạp chí, tác giả và các đồng tác giả cam kết rằng bản thảo gửi đăng phải là công trình khoa học do chính các tác giả thực hiện. Tác giả và các đồng tác giả bài báo có trách nhiệm tuân thủ đạo đức nghiên cứu và công bố công trình khoa học; Chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung của bài báo, sự chính xác và tính liêm chính học thuật của nội dung công trình khoa học (trích dẫn nguồn đầy đủ và đúng quy định; Các dữ liệu, kết quả phân tích là trung thực và không bị ngụy tạo và/hoặc chỉnh sửa). Vui lòng xem thêm Trách nhiệm của tác giả để biết thêm chi tiết.

Sàng lọc đạo văn

Thư ký khoa học kiểm tra sàng lọc đạo văn của bản thảo gửi đến Toàn soạn. Các chuyên gia phản biện của Tạp chí cũng được yêu cầu đánh giá và cung cấp ý kiến tư vấn cho Ban biên tập và Tổng biên tập về tính liêm chính học thuật của các bài báo gửi đăng.

Quy định đối với bài báo đã xuất bản

Về việc đính chính bài báo đã xuất bản

Tạp chí cho phép đính chính những sai sót nhỏ và không ảnh hưởng đến các diễn dịch và kết luận của bài báo đã xuất bản trên Tạp chí thông qua việc phát hành một Bản đính chính. Theo đề nghị của Thư ký khoa học, Tổng biên tập quyết định cho phép hoặc không cho phép xuất bản Bản đính chính kèm theo bài báo gốc ban đầu.

Về việc rút lại bài báo

Việc rút lại bài báo được thực hiện trong trường hợp các bài báo đã được chấp nhận xuất bản (nhưng chưa được xuất bản chính thức và chưa có thông tin về số lượng, số báo, trang hoàn chỉnh) được phát hiện là có sai sót hoặc trùng lặp ngẫu nhiên với các bài báo đã xuất bản trước đó hoặc được xác định là vi phạm các nguyên tắc đạo đức xuất bản của Tạp chí (như gửi nhiều lần, tuyên bố không có thật về quyền tác giả, đạo văn, sử dụng gian lận dữ liệu, ...).

Về việc loại bỏ bài báo

Trong một số trường hợp rất hạn chế, có thể cần phải xóa một bài báo khỏi cơ sở dữ liệu trực tuyến. Tạp chí sẽ chỉ thực hiện điều này khi bài báo được phát hiện có nội dung vi phạm đạo đức hoặc vi phạm quyền hợp pháp của người khác, hoặc ngụy tạo số liệu. Trong những trường hợp này, bài báo sẽ được thay thế bằng nội dung trên màn hình cho biết bài viết đã bị loại bỏ.

Về việc thay thế bài báo

Trong trường hợp bài báo đã xuất bản được đề nghị thay thế, các tác giả của bài báo gốc có thể rút lại bản gốc có thiếu sót và thay thế bằng một phiên bản đã sửa chữa. Bài báo thay thế này phải tiến hành phản biện lại từ đầu và được Tổng biên tập đồng ý cho phép đăng thay thế. Trong những trường hợp này, các thủ tục rút lại sẽ được thực hiện bằng thông báo rút lại bài báo và sẽ xuất bản một liên kết đến bài báo đã sửa chữa được tái xuất bản và lịch sử của bài báo trước đó.

Quy định về bản quyền

Tác giả xuất bản bài viết của mình trên Tạp chí DD&TP đồng ý với những điều khoản sau:

  • Tác giả vẫn giữ bản quyền và trao cho Tạp chí DD&TP quyền xuất bản lần đầu tiên, cho phép những người khác chia sẻ, sao chép, phân phối lại, hòa trộn, chuyển đổi và phát triển bài báo đó với điều kiện không được dùng cho mục đích thương mại hóa, và phải trích dẫn nêu rõ tác giả và nơi xuất bản đầu tiên;
  • Tác giả có thể ký kết những thỏa thuận riêng rẽ khác mang tính hợp đồng đối với việc phát hành không độc quyền phiên bản của bài báo in trên Tạp chí DD&TP (v.d., đưa vào một kho dữ liệu của một cơ quan hoặc đưa vào một cuốn sách), với điều kiện nêu rõ nơi xuất bản đầu tiên.